Trong thời gian mang thai bà bầu có những thay đổi đáng kể về tâm sinh lý và thể trạng bên trong cơ thể. Hệ miễn dịch lúc này cũng suy giảm hơn cùng với sự thay đổi của nội tiết tố, các loại hoocmon trong cơ thể làm mẹ bầu dễ bị nhiễm trùng và nhiễm khuẩn hơn.
Những điều này làm cơ sở cho việc xuất hiện một số bệnh lý phổ biến của thai kỳ, trong đó có nổi mụn cóc. Vậy mụn cóc là gì? Bà bầu bị mụn cóc có nguy hiểm không? Những lưu ý và cách điều trị khi bà bầu bị mụn cóc như thế nào. Mẹ bầu hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm thông tin nhé.
[wpsm_titlebox title=”Nội dung” style=”1″] [wpsm_toplist] [/wpsm_titlebox]
Mụn cóc là gì?
Mụn cóc là bệnh da liễu thường gặp do vi rút HPV gây ra. Loại vi rút này sẽ xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài sau đó tạo thành những u nhỏ lành tình, bề mặt sần sùi, lâu dần có thể to ra, gọi là mụn cóc.
Mặc dù mụn cóc nói chung không nguy hiểm nhưng những nốt mụn nổi lên trông xấu xí, mất thẩm mỹ và chúng cũng khá dễ lây lan và tạo cảm giác tự ti cho người bị nổi mụn. Ngoài ra một số mụn cóc còn gây đau đớn và tổn thương làm người mắc phải rất khó chịu.
Những đối tượng mắc phải mụn cóc thường là những người hay tiếp xúc với nguồn vi rút HPV như trẻ em (nghịch đất, không đi giày, dép, bốc đất, …) hoặc những người có hệ miễn dịch yếu như phụ nữ mang thai. Vì vậy nên thực trạng bà bầu bị mụn cóc là khá phổ biến và rất dễ gặp đối với đa số chị em phụ nữ đang mang thai nếu không cẩn thận.

Các loại mụn cóc thường gặp
Mụn cóc có rất nhiều loại, được phân biệt thông qua cách chúng mọc và những triệu chứng, hiện tượng đi kèm. Nhìn chung nó được phân làm 4 loại chính và mỗi loại xuất hiện trên một phần riêng biệt của cơ thể và có hình dạng riêng biệt. Bất kỳ loại nào cũng có thể gặp ở những mẹ bầu bị mụn cóc.
1. Mụn cóc thông thường
Loại mụn này thông thường mọc ở trên ngón tay và ngón chân của những bà bầu bị mụn cóc, nhưng cũng có thể xuất hiện ở những nơi khác. Chúng có vẻ ngoài sần sùi, thô ráp và đỉnh trong. Mụn cóc thông thường thường có màu xám hoặc tối hơn so với vùng da xung quanh chỗ nó mọc lên. Đây là một loại mụn cóc phổ biến nhất và gây mất thẩm mỹ nhưng lại khá an toàn so với những loại khác.

2. Mụn cóc Plantar (mụn cóc ở chân)
Mụn cóc Plantar là mụn mọc ở lòng bàn chân của mẹ bầu. Không giống như các loại mụn cóc khác nó mọc ở lòng bàn chân và gây ra khó chịu, đau đớn khi di chuyển. Nếu bà bầu bị mụn cóc này cần phải có biện pháp chữa trị vì loại mụn này không tự khỏi mà phải có sự can thiệp của thuốc và phương pháp chữa trị đúng đắn, kịp thời. Mẹ bầu có thể nhận biết được mình có bị nổi mụn cóc này hay không bằng cách quan sát dưới lòng bàn chân nếu thấy một lỗ nhỏ được bao bọc bởi lớp da cứng và khiến cho bà bầu đi lại khó khăn hơn thì có vẻ là mẹ bầu đã bị mọc mụn cóc rồi. Nhưng bầu không nên quá lo lắng mà phải bình tĩnh hỏi ý kiến mọi người và hỏi ý kiến bác sĩ để tìm ra cách chữa trị hiệu quả, dứt điểm.

3. Mụn cóc phẳng
Mụn cóc phẳng thường mọc trên khu vực như mặt, đùi, cánh tay. Chúng có phần trên bằng phẳng, khá nhỏ và không nổi bật nên khá khó để nhận biết ngay từ đầu. Chúng có thể có màu hồng, hơi nâu hoặc vàng. Bà bầu bị mụn cóc này thường rất khó chịu và tự ti về những nốt mụn nếu chẳng may chúng mọc trên mặt vì chúng thực sự rất mất thẩm mỹ.

4. Mụn cóc dạng chỉ
Mụn cóc dạng chỉ thường mọc quanh miệng và vùng mũi, mặt của mẹ bầu, đôi khi là trên vùng cổ hoặc dưới cằm. Chúng có hình dạng sợi chỉ và có màu trùng với màu da của bạn, mức độ phát triển của chúng lại rất nhanh và được tính theo cấp số nhân, chúng thực sự làm những bà bầu bị mụn cóc cảm thấy khó chịu. Đây cũng là loại mụn cóc có phương pháp chữa trị phức tạp và lâu khỏi hơn các loại mụn cóc thông thường.

5. Mụn cóc sinh dục
Mụn cóc sinh dục là loại bệnh lây qua đường tình dục phổ biến do virus HPV gây ra. Loại mụn cóc này thường mọc ở vùng cơ quan sinh dục, hậu môn, các vùng xung quanh và các bộ phận tiếp xúc. Chúng có dạng từng cục thịt nhỏ, xuất hiện trên bề mặt phẳng nên khó nhìn thấy, nếu mọc cạnh nhau sẽ giống hình cây hoa súp lơ. Trong điều kiện phát triển chúng sẽ phát tán thành từng vùng, gây ngứa ngáy và chảy máu khi quan hệ.

Bà bầu bị mụn cóc có nguy hiểm không?
Bà bầu bị mụn cóc nguy hiểm không sẽ phụ thuộc vào dạng mụn cóc bà bầu mắc phải. Trên thực tế nếu bà bầu bị những mụn cóc ở dạng bình thường sẽ không gây ảnh hưởng đến thai nhi và người mẹ. Tuy nhiên, do mụn cóc mọc ở những vị trí dễ nhìn gây mất thẩm mỹ và làm mẹ bầu thấy mất tự tin, khó chịu.
Đối với bà bầu bị mụn cóc sinh dục sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Loại mụn cóc này khiến cho cơ thể bà bầu bị tăng estrogen, tạo môi trường phát triển cho mụn, chúng sẽ lan rộng hơn và gây chảy máu. Khi mẹ bị mụn cóc sinh dục thì khả năng truyền nhiễm virus HPV sang con là rất cao. Nếu trẻ mắc phải loại HPV thanh quản sẽ làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ, mụn cóc sinh dục lan rộng còn gây nên tắc đường sinh của mẹ. Chính vì vậy, bà bầu bị mụn có sinh dục cần phải nhanh chóng đi khám để có cách điều trị tốt nhất, tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Cách điều trị mụn cóc cho phụ nữ mang thai
Có những loại mụn cóc thường sẽ tự khỏi sau 4 – 6 tháng, tuy nhiên trường hợp này thường ít khi gặp. Hiện nay có rất nhiều phương pháp hiện đại trị mụn cóc tuy nhiên chủ yếu người ta thường sử dụng các mẹo dân gian để chữa mụn cóc. Nhưng lưu ý là những mẹo dân gian có thể khỏi đối với những loại mụn cóc thông thường hoặc tùy vào cơ địa của mỗi người. Còn trong trường hợp nghiêm trọng hơn người ta thường nhờ đến sự can thiệp của những phương pháp hiện đại và tối ưu, an toàn hơn.
1. Điều trị bằng tiểu phẫu
Với cách điều trị này mẹ bầu sẽ được thực hiện một cuộc tiểu phẫu nhỏ giúp cắt bỏ mụn cóc trên cơ thể. Cuộc tiểu phẫu diễn ra nhanh chóng và đem lại hiệu quả cao, giúp vết thương nhanh lành, loại bỏ sạch mụn cóc và ít gây nhiễm trùng. Tuy nhiên nó có chi phí cao hơn phương pháp khác và phải được lấy triệt để mụn cóc nếu không sẽ bị tái phát sau một thời gian.
2. Sử dụng laser
Đây được xem là một phương pháp hiện đại nhất và có tính thẩm mỹ cao nhất. Tia laser sẽ đi sâu vào vùng da bị nổi mụn cóc và tiêu diệt triệt để ổ vi rút gây bệnh xung quanh nó. Với phương pháp này mụn cóc trên da có thể được loại bỏ hết và ngăn chặn sự hình thành các nốt mụn sau này.

3. Điều trị bằng đốt điện
Phương pháp này áp dụng cho các nốt mụn cóc nhỏ hoặc ở vị trí khó làm tiểu phẫu. Tuy nhiên thời gian khỏi bệnh lâu hơn và hiệu quả kém hơn so với các phương pháp khác.
4. Dùng axit hoặc nitơ lỏng
Phương pháp này được thực hiện bằng cách dùng nito lỏng hay axit chấm lên nốt mụn cóc. Thực hiện thường xuyên và liên tục theo từng đợt. Tuy nhiên phương pháp này khá không an toàn và thường mất nhiều thời gian mới có thể khỏi bệnh hoàn toàn.
Những lưu ý khi bà bầu bị mụn cóc
Nếu chẳng may bà bầu bị mụn cóc trong giai đoạn mang thai của mình thì các mẹ bầu nên cân nhắc lại chế độ ăn uống, sinh hoạt để đảm bảo cho việc điều trị mụn cóc, giúp nó không lây lan và được điều trị triệt để. Sau đây là một số lưu ý dành cho những bà bầu bị mụn cóc trong thai kỳ của mình:
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Nguyên nhân chính khiến bà bầu bị mụn cóc trong giai đoạn mang thai là do sự suy giảm hệ miễn dịch dẫn đến cơ thể dễ bị vi rút HPV tấn công và sinh ra những mụn cóc không mong muốn. Vì vậy nếu lỡ bị mụn cóc bà bầu nên có chế độ ăn uống hợp lý hơn, vừa đảm bảo đủ chất dinh dưỡng vừa tạo môi trường thanh nhiệt, mát mẻ cho cơ thể từ bên trong.
- Bà bầu bị mụn cóc cần bổ sung nhiều vitamin từ các loại rau, củ, quả hằng ngày bằng cách ăn nhiều rau xanh và trái cây thanh mát.
- Bà bầu nên uống các loại nước ép từ các loại thực phẩm như lá cây húng quế, nước dứa ép, cà rốt, cần tây, … Chúng giúp hạn chế sự lây lan của mụn cóc khắp cơ thể và còn hỗ trợ cho quá trình lành mụn.
- Sử dụng dấm táo cũng là một cách giúp hạn chế sự phát triển của mụn cóc và giúp cơ thể mẹ không bị nóng, thanh nhiệt cơ thể tốt.
- Không nên ăn các loại đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn sẵn có chứa chất bảo quản. Đặc biệt không nên ăn nếp, rau muống, thịt bò, thịt gà nếu mẹ bầu đang bị nổi mụn cóc. Vì các loại thực phẩm này không những không giúp ngăn chặn sự lây lan của mụn cóc mà còn gây ngứa và lây lan nhanh hơn, để lại sẹo khi khỏi mụn.
Có chế độ sinh hoạt sạch sẽ
Bà bầu bị mụn cóc cần đặc biệt chú ý đế vấn đề vệ sinh cá nhân và đồ dùng cá nhân của mình kỹ hơn.
- Nên sử dụng đồ dùng cá nhân riêng như khăn tắm, khăn lau mặt, đồ áo, … để tránh sự lây lan cho người xung quanh và đảm bảo sạch sẽ cho cơ thể của mình.
- Nên tắm rửa sạch sẽ để không tạo môi trường thuận lợi cho vi rút tấn công và gây thêm nhiều mụn cóc ở những bộ phận khác nhau của cơ thể.
- Không nên cạo, cắt, tỉa quanh khu vực bị mụn cóc để tránh bị nhiễm trùng.
- Không nên để cơ thể ẩm ướt tạo điều kiện cho vi rút phát triển.
- Không nên chạm vào vùng nước bị mụn cóc rồi đưa lên vùng khác để tránh tối đa sự lây lan.
Trên đây là những thông tin cần thiết về mụn cóc, những lưu ý và cách điều trị cho bà bầu bị mụn cóc. Hy vọng đã cung cấp được cho các chị em phụ nữ đang mang thai thêm một thông tin hữu ích và có thể áp dụng được nếu chẳng may mụn cóc xuất hiện trong thai kỳ của mình. Chúc chị em sức khỏe và thành công!